12/08/2012

Người thầy tôi luôn ngưỡng mộ

ớc chân nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh nghiêm nghị, thầy đã để lại trong lòng học trò nhiều tình cảm sâu sắc, đặc biệt là với học trò khoa lí hđại học tại chức tại Hòa Bình. Giờ học của thầy luôn tạo cho các học viên một đam mê học tập sáng tạo, nhưng lại tràn đầy niềm vui thoải mái qua những câu chuyện vui khoa học mà thầy kể.
 


Luôn gần gũi quan tâm tới sinh viên, đặc biệt là công chúa bé nhỏ của mình, thầy đã tự tay chọn cho con gái yêu của mình món quà kỉ niệm chuyến thực tế tại Bản Lác -Mai Châu - Hòa Bình




Luôn đặt công việc lên hàng đầu và nghiên cứu khoa học là niềm đam mê của bản thân, nhiều công trình nghiên cứu của thầy đã được đăng trên các tạp trí khoa học danh tiếng. Sđam mê và cách làm việc tâm huyết đó đã ảnh hưng nhiều tới tôi, thầy đã giúp tôi nhìn lại chính bản thân mình trong cuộ̣c số́ng và̀ công việ̣c.


 Những phút thư giãn hiếm hoi bên sạp hàng hóa của người dân tộc

Những phút thư giãn hiếm hoi như thế mới thấy thầy đơn giản trẻ trung , gần gũi hòa đồng vi thiên nhiên, con người, vi quê hương. Dù bận nhưng thầy vn dành thời gian tới thăm gia đình các học trò của mình tại Mai Châu.


 Thầy đến thăm gia đình học trNguyễn ThBng và  ân cần chia sđộng viên học trò phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và công việc

 Thầy đến thăm gia đình và dùng bưã cơm thân tình tại nhà v chng Thu - Đông.


Phút giây thầy trò chia tay lưu luyến này có lẽ không ai mong muốn nhưng thời gian của thầy không thể ở lại lâu. Gia đình hai bạn Thu Đông vnhững người học trò Mai Châu gửi gắm tình cảm của mình bằng những món quđặc sản của quê hương, mong muốn thầy có dịp quay trở lại


11/30/2012

Cô giáo Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng


 - 9 năm theo nghề, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Như Quỳnh (Trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không ít lần rơi nước mắt vì cách dạy trẻ mà cô dùng ngược quan điểm với các đồng nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Quỳnh

"Con vẫn chọn lối này..."

Với cô giáo sinh năm 1981 này, mỗi năm qua đi, cái nhìn trong sáng, ngây thơ của các em là động lực khiến những người trẻ như cô và đồng nghiệp thêm gắn bó với nghề.

Từ lớp 6, Như Quỳnh được giao trách nhiệm phụ trách công tác đoàn đội. Những dịp sinh hoạt hè, Quỳnh và các bạn được nhà trường đưa đến vui chơi cùng các bé mầm non có hoàn cảnh đặc biệt. Thấy bé khóc, chị Quỳnh tới dỗ dành, trò chuyện.

Trong gia đình, chị gái làm giáo viên tiểu học. Bố không muốn con gái thứ hai cũng theo cái nghề giáo mà ông vẫn thường đùa vui  là “nghề bán cháo phổi” rất vất vả.

Song, ông không ngăn cấm quyết định của con gái. Năm 1999, Như Quỳnh đỗ cùng lúc 2 trường là ĐH Luật Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội. Người bố trầm ngâm hỏi con lần cuối. Như Quỳnh nhìn cha, thủ thỉ: “Con vẫn chọn làm giáo viên, bố ạ”.

Tốt nghiệp, cô sinh viên trẻ xin vào Trường mầm nonHoa Hồng. Chị chia sẻ: “Nhớ lại ngày ấy mình bỡ ngỡ nhiều. Ở trường ĐH thầy cô giáo được học nước ngoài về, kiến thức họ giảng dạy rất mới. Thực tế dạy lại khác. Vậy là giữa lý thuyết và thực tế giảng dạy bị vênh nhau”.

Trước khó khăn, chị bình tĩnh nghiên cứu lại kiến thức được hỏi và áp dụng khéo léo vào thực tế để có “giáo trình riêng” phù hợp với trò. Nhưng chính vì cái riêng đó mà  “có nhiều khi rơi nước mắt vì dạy trẻ hiểu nhưng nhiều giáo viên khác phản đối vì sai phương pháp”.

“Thời điểm năm  học 2003-2004, lúc tôi mới ra trường, chương trình âm nhạc yêu cầu cứng nhắc bắt buộc giáo viên phải dạy hát nghe xong rồi mới đến trò chơi. Để có cái kết lắng đọng, tôi đẩy dạy hát và vận động lên trên. Sau đó các bé đến trò chơi, kết thúc là phần hát nghe của cô giáo.

Cái kết là bài học nhẹ nhàng, lắng đọng, tạo cho cả cô trò gần nhau hơn. Trò cũng không vì thay đổi này mà mệt mỏi. Thậm chí các bé rất vui. Mặc dù đồng tình nhận thấy cách làm như vậy trẻ hứng thú nhưng nhiều giáo viên vẫn phản đồi “như thế là sai phương pháp”. Điều đó khiến tôi thực sự buồn”.

May mắn khi bấy giờ bên cạnh chị có hiệu trưởng Phan Kim Thư. “Cô gọi riêng tôi ra động viên và nói: “Tại thời điểm này có những cái mới còn khó được chấp nhận. Cháu chịu khó lắng nghe và học hỏi, tạo ra cái mới của riêng cháu rồi thời gian sẽ trả lời cháu có đúng không” – chị Như Quỳnh tâm sự. Dần dần “cô sinh viên mới tốt nghiệp” tạo được niềm tin với giáo viên và các bậc phụ huynh.

Nụ cười và nước mắt

Năm 2011, Trường Hoa Hồng tham gia chương trình dạy trẻ tự kỷ hòa nhập. Lớp của cô giáo Quỳnh có học sinh tăng động, “cháu có thể cắn xé các bạn khi không kiểm soát được”. “Lúc ấy tôi phải gọi bé ra dỗ dành, khuyên nhủ. Về nhà giáo viên phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức về trẻ tự kỷ.

Thậm chí, chúng tôi gồm bố mẹ, giáo viên và bác sĩ phải ngồi hàng giờ với nhau trao đổi về tình hình của con. Bản thân tôi nhiều khi thấy mình phải dừng lại, không phải bất lực mà để lắng nghe và hiểu con hơn”.

Niềm vui đến với chị Quỳnh khi cuối năm 2011, tình hình của bé học sinh tự kỷ được cải thiện. Bé đã hòa nhập bình thường với các bạn. Những phút giây hạnh phúc ấy, người giáo viên chỉ lặng lẽ cười mà nước mắt rơm rớm.

Cô giáo Quỳnh nói cũng có khi cáu gắt, quát mắng trẻ. Song mỗi lần trách phạt các bé, chị đều trao đổi với phụ huynh. Và “điều may mắn” – như chị tâm sự, phụ huynh đều hiểu và thông cảm cho cô.

“Nếu đó là tấm lòng chân thành, tri ân cô thầy của phụ huynh thì mình trân trọng. Nhưng mình tin là người có lương tâm, không giáo viên nào đặt đồng tiền lên trên tất cả. Bản thân tôi cũng nhiều lần phải khước từ và buồn trước với những “tình cảm nháy nháy” của phụ huynh” – chị Quỳnh cho biết.

Chị kể: “Đầu năm có phụ huynh vừa gửi con vào lớp đã tới nhà “nhờ cô giúp đỡ”. Tôi thẳng thắn nói phụ huynh ấy mang về. Rồi có lần, phụ huynh là một người nổi tiếng, có lẽ vì ngại nên nhờ con mang “quà” tặng cho cô. Tôi ân cần: “Con mang về nói với bố mẹ tình cảm bố mẹ dành cho cô cô đã nhận và cảm ơn con nhé”. Sau lần đó, phụ huynh thường xuyên tới lớp hỏi thăm tình hình cháu. Chúng tôi vì thế cũng thân thiết và rất quý nhau”.

Dạy con sống tốt

Thu nhập của hai vợ chồng chị (anh là kế toán) mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, "cũng vừa đủ để chăm sóc cho con”.

Nhà ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, cách trường hơn 10km người giáo viên trẻ gần như dành trọn quỹ thời gian cho các trò. 6h sáng, chị dậy lo cơm nước cho gia đình, 7h15 có mặt tại trường đến 17h30 mới dắt xe ra về.

Con trai chị gửi lại cho ông bà nội giúp chăm sóc. Nhiều khi đi hội diễn, lo công tác đoàn phải về muộn thì đã có chồng "xắn tay".

Thời gian rảnh, chị thường hướng con vào hoạt động gia đình, cùng con tô màu hay làm việc nhỏ để gắn kết yêu thương giữa các thành viên. “Mình không kỳ vọng con thành ông này bà kia mà đơn giản chỉ mong trước hết con phải là người tốt, sống có trách nhiệm”.

Với những đóng góp cho ngành giáo dục thủ đô, giáo viên Nguyễn Thị Như Quỳnh nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, các giải thưởng về sáng kiến-kinh nghiệm dạy học cấp thành phố.

Năm 2012, cùng với 36 cá nhân khác của ngành giáo dục Hà Nội, chị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

11/29/2012

NGƯỜI ĐƯA ĐÒ NGHIÊM KHẮC


Chắc hẳn những ai từng học trường cấp hai Giang Ái (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) ngày trước vẫn còn nhớ hình ảnh cô giáo dạy văn nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc một thời. Đó là cô Lài -cô giáo trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít học sinh.

Khi còn học cấp 1, tôi và nhóm bạn đã nghe các anh chị kể những câu chuyện về cô, những câu chuyện tựa như đi vào giai thoại với những buổi kiểm tra bài gắt gao và bất thình lình, sự nghiêm khắc trong giờ học, hay những lời nói sâu sắc, nhắc nhở không ngừng nghỉ về việc học văn - học làm người. 
Lên lớp 7, tôi chính thức được học với cô. Hôm đầu tiên vào lớp, cả lớp đứng dậy chào, lớp tôi vốn nổi tiếng quậy, nhưng biết tiếng cô nên cũng im phăng phắc từ trước. Thế mà, bước vào lớp, cô đã ra rả một tràng, vì một vài đứa trong lớp đứng chào không thẳng, ngó nghiêng bên này, lí lắc bên kia. Chưa hết, cô gọi lớp trưởng lên trên bục giảng, nhìn về lớp và cho nhận xét. Cậu lớp trưởng ấp a ấp úng không nói nên lời, run rẩy một hồi thì à lên: “Dạ, bàn ghế bị nghiêng. Các bạn, chỉnh sửa bàn ghế lại”.
Thú thực, với cái lứa tuổi lúc ấy, giờ ra chơi là giây phút “giải phóng”, tự do bay nhảy, bàn ghế xô lệch, có lẽ là chuyện "thường ngày ở huyện". Thế mà, vì sự “rất đỗi bình thường” đó, cả lớp bị phạt đứng nguyên 15 phút, chúng tôi lại được thể kháo nhau “đúng là cô Lài”, “ lời đồn quả không sai”… Chưa hết, khi cô bước đến bàn giáo viên, cô hỏi: “Lớp phó học tập là ai?”. Tôi lập cập đứng dậy: “Dạ, cô gọi em?”. “Trò lên đây”.
Tôi bước lên phía cô đứng, nhìn quanh bàn giáo viên một lượt, chỉnh sửa lại cuốn sổ đầu bài bị lũ tiểu quỷ vứt lăn lóc, chỉnh sửa lại bình hoa, cái khăn bàn xộc xệch do thằng Bảo và cái Nga rượt đuổi nhau lúc nãy… Cô có vẻ hài lòng vì sự biết ý của tôi, nên nhẹ nhàng bảo tôi về chỗ rồi ôn tồn nói: “Từ nay, mỗi khi tôi vào lớp, mọi thứ phải tinh tươm như thế này, các em phải tập tính cẩn thận, ngăn nắp, khoa học. Học văn là học cách làm người. Nào, có gì thắc mắc không? Sao, cô có dữ như lời đồn không? Lớp phó!”
Tôi lại đứng dậy, lí nhí trả lời: “Dạ… dạ, cô nghiêm khắc ạ!”.
Có lẽ lại thêm một lần tôi ghi điểm với cô: “Đúng rồi, phải dùng từ nghiêm khắc chứ, cô giáo chứ có phải cọp đâu mà dữ. Nào, kiểm tra bài cũ”.
Buổi học đầu tiên trôi qua với thành tích bất hủ, khi cái Nga, cái Nhàn lãnh điểm 4, thằng Phong nhận điểm 3. Cả bọn lại lấm lét nhìn nhau: “Xong rồi, đúng là sát thủ”.
Được cô dạy, chúng tôi càng hiểu rằng, quả thực, cô là giáo viên giỏi, giỏi về nghiệp vụ và chuyên môn. Lúc cô giảng bài, cô giống như một con người khác, cô thả hồn mình vào từng lời văn, nhẹ nhàng, da diết, êm ái. Đám học trò ngồi dưới nuốt từng lời, một phần vì sợ, một phần cũng thấy cuốn hút bởi bài giảng sinh động của cô.
Cô đi quanh một lượt từ đầu đến cuối lớp, từ ngóc ngách bàn này, bàn kia để xem chúng tôi ghi bài, chốc chốc lại nghe cô la một đứa nào đó: “Chữ nghĩa kiểu gì thế này? Viết nắn nót lại xem!”. Cái đứa bị cô la có lẽ toát mồ hôi, bặm môi chậm rãi, thả từng con chữ. Thoáng chốc, thấy cô cầm tay, uốn nắn như học trò cấp 1: “Nét chữ nết người, chữ phải thẳng như thế này, ít nhất khi viết tên mình, trò cũng phải nắn nót cho người ta đọc ra chứ”.
Thế là sau giờ ấy, cả lớp tôi, không ai bảo ai, ngồi hý hoáy… tập viết tên mình. Bởi cái tên là quan trọng nhất như lời cô nói: “Khi trò viết đẹp, cẩn thận cũng là một cách trò cảm ơn mẹ cha, trò biết tôn trọng mình và để người khác cũng tôn trọng mình”.
Từng lời cô nói cứ đi sâu vào tâm khảm của lũ học trò non nớt ngày ấy. Cô không chỉ dạy Văn mà còn dạy rất nhiều điều trong cuộc sống. Lớp tôi dù quậy đến cỡ mấy nhưng khi đến giờ của cô, mọi thứ cứ gọi là “gần như hoàn hảo”. Lớp im phăng phắc, bàn ghế gọn gàng, sách vở, bút thước đầy đủ, lâu dần nó trở thành thói quen lúc nào không hay.
Học kỳ thứ nhất trôi qua, tổng kết điểm môn Văn của lớp cao trông thấy. Đến cả thằng Hà nhác học nhất lớp cũng có thể đọc vanh vách bài thơ “Bạn đến chơi nhà” hay “Qua đèo Ngang” mà trước đó nó bảo là thơ gì… khó hiểu.
Chúng tôi vẫn hay thắc mắc về cuộc sống riêng tư của cô. Với lũ học trò vô tư, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, làm gì biết suy nghĩ những chuyện bên lề cuộc sống. Lứa dưới nghe các anh chị khóa trên bảo “tại cô ở một mình nên khó tính”, “tại không có chồng nên khó tính”… thì cũng đi rỉ tai nhau như vậy chứ chẳng biết rằng những lời nói vô tình đó có thể làm tổn thương đến cô giáo mình.
Căn nhà nhỏ của cô ở gần trường, một lần tôi ghé qua lấy bài kiểm tra của lớp. Bên trong căn nhà có bộ bàn ghế đơn sơ, căn bếp nhỏ xinh còn lại vô vàn là sách. Cô gọi tôi vào, hỏi thích đọc sách gì cứ lấy, có điều phải giữ kỹ cho cô. Cô còn bày biện bánh trái, bao nhiêu thứ cho tôi ăn. Khi tôi về lớp, cả bọn nhìn tôi giống như một anh hùng, cứ như tôi vừa hùng dũng bước ra bình an từ “hang cọp”! Tôi bảo cô cũng hiền lắm, chỉ hơi nghiêm khắc thôi, đến nhà cô chơi mà xem.
 
Ấm áp tình cảm cô trò Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh minh họa)
Ấm áp tình cảm cô trò Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh minh họa)
Lễ 20/11 năm ấy, cả lớp tụm năm tụm bảy, đèo nhau đi thăm nhà các thầy cô, đến đâu không khí cũng như Tết, các thầy cô bày bánh kẹo, ân cần vuốt tóc đứa này, trò chuyện với đứa kia. Còn riêng một bó hoa của cô Lài thì đứa này đẩy đứa kia, không ai chịu đi, cuối cùng cả bọn đẩy qua cho ban cán sự, ban cán sự đẩy lại cho tôi. Chúng nó bảo “Lần trước bạn vào rồi, giờ vào đi, cô có vẻ cưng bạn nhất mà”. Tôi nhất quyết không chịu vào một mình mà thuyết phục tất cả cùng vào. Khi cả bọn đùn đẩy làm ồn lên, cô bước ra, dịu dàng gọi tên từng đứa, rồi dẫn tất cả vào nhà. Khỏi phải nói, khuôn mặt đứa nào cũng lấm la lấm lét, sợ hãi, tay níu chặt lấy nhau. Cô mỉm cười hạnh phúc nhận hoa từ tay tôi, nói lời cảm ơn cả lớp. Nhìn vẻ xúc động của cô, đứa nào cũng thấy lạ. Cô bày ra đủ thứ kẹo bánh, cả bọn nhìn nhau mà chẳng dám ăn. Cô bóc đưa cho từng đứa, tranh thủ nhắc đứa này “Sao móng tay để dài thế con”, “Tóc dài thế Thắng, mai cắt đi nghe con”, “Ăn đi Nhàn, con gầy quá, về nhà lo ăn nhiều vào nghe”... Cả bọn nhìn nhau, ăn cũng từ tốn đến lạ, trò chuyện thì khe khẽ, lễ phép, trật tự chứ chẳng ào ào như “lũ giặc” ở nhà các thầy cô khác. Song, chẳng mấy chốc cũng hết veo số bánh kẹo khổng lồ. Cô lấy thêm, gói ghém cho từng đứa mang về nhà, còn bảo “Cô ở một mình buồn lắm, em nào rảnh qua nhà cô chơi, mang sách vở qua nhà cô học bài cũng được, cô bày cho”.
Tận sâu thẳm trong đôi mắt kia, tôi biết cô thương lắm những học trò lem luốc của mình, cũng không nỡ làm chúng phải sợ hãi như thế, nhưng có lẽ không còn cách lựa chọn nào chăng, như thầy hiệu trưởng hay nói “Thương cho roi cho vọt, phải cho các con biết sợ thì mới nên người”.
Lứa học sinh ngày ấy giờ đây đã trưởng thành. Cô cũng nghỉ hưu từ lâu. Mỗi lần về quê, ngang qua căn nhà nhỏ, thấy cửa đóng im ỉm, có người hàng xóm bảo cô về quê dạy học cho trẻ em nghèo, người thì bảo cô lên chùa nương nhờ cửa Phật.
Bây giờ đã lớn, va chạm vào cuộc sống, có lẽ đủ để hiểu hết những nghiệt ngã của cuộc đời, đủ để thấu hiểu phần nào những nỗi niềm của một người phụ nữ cô đơn, tôi mới thấy thương cô hơn, thương cả sự nghiêm khắc, khó tính gần như thành “thương hiệu” ấy.
Tôi hiểu hơn cái ánh mắt chan chứa yêu thương mỗi lần nhìn học trò, những yêu thương không chỉ của người cô dành cho trò mà cả yêu thương khao khát của một người mẹ. Cả cuộc đời cô đã dành trọn tâm huyết và tình yêu cho học sinh, mỗi chuyến đò đi qua, có lẽ hơn ai hết, cô mong học trò sẽ tìm thấy con đường đi tốt đẹp trong hành trình “làm người”, dẫu cho những ký ức và hoài niệm về cô chỉ có sự sợ hãi và khoảng cách khó gần.

BÁO CHÍ PHẢN ÁNH HAY “ĐÁNH” THẦY CÔ?


Không còn mang tính chất phản ánh, nhiều bài báo được viết ra theo hướng “đánh” thầy cô giáo. Đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là các em học sinh. Nhân ngày 20/11, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGD Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái xung quanh cách đưa tin về tiêu cực trong giáo dục.
Các thầy giáo, người công tác trong ngành giáo dục nhìn nhận thế nào về vụ việc “Canh gà Thọ Xương” gây chú ý trong dư luận vừa qua?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Một số thầy cô giáo có sai sót về chuyên môn, xã hội cũng nên có cái nhìn đúng mực. Đặc biệt là cơ quan truyền thông, cần có sự định hướng dư luận nhìn nhận vấn đề đúng đắn.
Tôi ví dụ, một chi tiết sai trong bài giảng của thầy cô hoàn toàn có thể xảy ra. Thời tôi mới ra trường, trong một lần xem lại giáo án của cô sinh viên năm 4 soạn để dạy cho trường cấp 3, tôi phát hiện có lỗi sai. Câu ca dao “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặt người”. Thế nhưng, 2 chữ “xông hương” cô ấy viết là “sông Hương”. Như vậy là sai hẳn bản chất. Tôi duyệt giáo án phải chấn chỉnh lại ngay. Vậy nên, tôi cho rằng chuyện sai thời nào cũng có, ai cũng có. Nhất là chuyên môn, chữ nghĩa.
Những trường hợp như vậy, chỉ nên góp ý với giáo viên, nhà trường một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Không nên tung lên mạng, lên báo để chứng minh rằng giáo dục thời nay kém quá.
Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô?, Giáo dục - du học,
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, xã hội nên có cái nhìn đúng mực về sai sót của nhà giáo (Ảnh: Phương Hà)
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Theo tôi, những tờ báo câu khách rẻ tiền mà bất chấp cả việc vi phạm nhân phẩm của người khác cần phải bị xử lý. Đôi khi tôi có cảm giác báo chí hiện nay để ý quá nhiều đến những thứ vụn vặt. Nhà báo đánh lộn bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Trong khi đó, những vấn đề mang tính bản chất của giáo dục lại ít được quan tâm.
Đây là ví dụ cho việc nhà báo đánh lộn vấn đề bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Lẽ ra những chuyện này chỉ nên nên rút kinh nghiệm thôi. Đằng này, các báo “ném đá” đến mức người ta nhập viện, viết đơn nghỉ việc... Chính vì thế cần truyền thông cho tử tế.
Không chỉ là thông tin về những yếu kém trong quản lý giáo dục, đáng quan ngại là hình ảnh thầy cô giáo đã bị ảnh hưởng ghê gớm bởi không ít vụ tiêu cực nổi cộm?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Là một nhà giáo, tôi rất buồn. Tuy nhiên, phải thấy rằng, có không ít bài báo viết về giáo dục và người thầy cực đoan. Đương nhiên, những người đi trái ngược lại đạo đức xã hội sẽ bị cơ quan, tổ chức, thậm chí pháp luật xử lý. Các phương tiện thông tin truyền thông có thể phản ánh những chuyện này, nhưng phải phản ánh có trách nhiệm.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Các câu chuyện tiêu cực như cô đánh trò, trò đánh cô... đương nhiên cũng cần phản ánh nhưng không thể đến mức như hiện nay là phủ kín nhiều tờ báo. Trong xã hội, có những nhà giáo có vấn đề đạo đức, báo chí nên phản ánh. Đứng trên tinh thần phản biện thì rất tốt. Nhưng viết theo kiểu bới móc, thổi phồng vấn đề thì rất tai hại. Có cảm giác, những ai không có khả năng tự vệ có thể trở thành miếng “mồi” cho truyền thông.
Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô?, Giáo dục - du học,
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cái nhìn khắt khe của báo chí và dư luận cũng chứng tỏ xã hội rất coi trọng ngành giáo dục. Do vậy, khó tránh việc báo chí đưa tin đậm đặc khi xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là xã hội nhìn nhận giáo dục khắt khe hơn bởi đây là ngành liên quan đến rất nhiều người. Nếu không phải là mình đi học thì con mình, cháu mình đi học. Mỗi gia đình bây giờ chỉ có một, hoặc hai con nên con cháu bây giờ toàn là “con vàng cháu bạc” hết. Vì vậy, dễ hiểu khi người ta có ý kiến đến bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến con cháu họ. Nhưng nhiều khi, phụ huynh quý con, quý cháu mà quên mất rằng, thầy cô giáo cũng đáng quý.
Tôi không cho rằng cần phải xem nhẹ, hay che giấu khuyết điểm của một ngành nào đó. Nhưng cần phải xem mục đích của những vấn đề phê bình ấy là gì, liệu có đạt được hay không. Nếu mục đích đưa ra làm bài học cho con trẻ, giáo dục xã hội thì tốt. Nếu đưa ra như chuyện hấp dẫn, câu khách thôi, sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Khi tin tức tiêu cực, tổn hại đến hình ảnh người thầy nhan nhản trên mặt báo, hệ quả đối với xã hội là gì?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Hãy thử tưởng tượng, trong nhà cũng có lúc bố mẹ bất đồng ý kiến với nhau về việc này việc khác. Người lớn có lúc đúng lúc sai, không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu cha mẹ tranh cãi trước mặt con, đứa con đó khó trở thành đứa con ngoan. Chưa kể, nó sẽ giảm lòng kính trọng với bố mẹ. Khi niềm tin vào bố mẹ lung lay, đứa con ấy cũng sẽ nhìn người khác giảm niềm tin. Thế nên sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau kể cả khi phê bình nhau cũng là một cách thức giáo dục thế hệ trẻ.
Thầy giáo cũng vậy, cũng là con người, cũng có lúc sai, có thể là sai về chuyên môn nghiệp vụ, sai về hành xử. Giáo viên là tập hợp rất lớn, hàng triệu người và qua nhiều thế hệ. Do vậy, không tránh khỏi có những người không giữ được đạo đức. Trong trường hợp ấy, xã hội tìm cách ứng xử thế nào cho đúng. Về phía giới truyền thông, chỉ vì thiếu tin mà trút hết nỗi “bức xúc xã hội” vào thầy cô giáo, thì không chỉ có hại với người thầy, mà có hại đến sự giáo dục thế hệ trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo 24h

'XÃ HỘI SẼ BẤT HẠNH NẾU THẦY CHỈ DẠY NHƯ MÁY'


"Ai đã bước vào nghề giáo thì đừng ham làm giàu. Tôi rất đau lòng khi một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, dạy qua loa, hình thức", Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chia sẻ nhân ngày 20/11.

- Là người gắn bó với bục giảng nhiều năm, đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, ngày 20/11 nào có ý nghĩa nhất đối với thầy?
- Tôi tốt nghiệp năm 1978, một năm sau đi dạy, tính ra đã có 33 năm trong nghề. Tôi nhớ năm đầu tiên mới tốt nghiệp được sinh hoạt 20/11 với một lớp tại chức mà người trẻ bằng tuổi tôi, người già nhất thì gấp đôi tuổi, nhưng buổi lễ rất vui, tình cảm. Năm 2009, tôi tổ chức ngày 20/11 với học sinh chuyên Hóa, có cả học sinh và phụ huynh cùng tham dự, rất ý nghĩa.
Có một kỷ niệm đặc biệt khiến tôi phải rơi nước mắt. Đó là một cô giáo dạy cấp 1, chồng mất khi hai con trai một đứa mới 3 tuổi và một đứa 5 tuổi. Hai em sau này đều học khối phổ thông chuyên Hóa do tôi dạy và em lớn đã đạt nhì Hóa quốc gia. Mẹ các em mang đến nhà tôi một bao gạo 30 kg biếu, nói đó là gạo do chị cấy. Với tôi không có món quà nào ý nghĩa và thành tâm như thế, nó xuất phát từ tấm lòng nên rất đáng trân trọng.
Bên cạnh những món quà bày tỏ lòng tri ân đối với thầy cô thì cũng có món quà được tặng với mục đích khác, đòi hỏi người thầy phải có bản lĩnh. Tôi từng từ chối nhiều món quà do người ta tặng khi nó không xuất phát từ cái tâm.
Thầy Lê Kim Long cho rằng xã hội sẽ bất hạnh khi giáo viên chỉ làm như cái máy, dạy không hứng thú, qua loa.
- Hiện nay nghề giáo không còn được xã hội xem trọng như xưa, bằng chứng là ít học sinh giỏi thi vào sư phạm và một số thầy cô chưa thể hiện tốt vai trò của mình, thầy nghĩ sao về điều này?
- Thời xưa và nay có nhiều khác biệt. Xưa giáo viên ra trường được dìu dắt chi tiết, có hai năm thực tập, nay nhà quản lý thả cho các em tự bơi. Sức ép đòi các em nhập cuộc ngay lập tức, thậm chí làm hợp đồng dạy luôn xem có giỏi không mới nhận chính thức, nhưng các em chưa bao giờ dạy thì sao giỏi được?
Sinh viên khi vào nghề giáo phải chấp nhận thách đố to lớn - tạo ra sản phẩm là con người, mà con người thì không được sai, sai sẽ rất nguy hiểm. Thế nên trách nhiệm người đi trước là phải uốn nắn, hướng dẫn, dìu dắt, tạo cơ hội cho giáo viên trẻ để họ bình tĩnh nhập cuộc.
Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị, còn khi dạy là chỉ diễn những gì mình đã chuẩn bị sẵn. Khi giáo viên bỏ tâm, tài và sức để chuẩn bị thật chi tiết thì bài giảng trên lớp sẽ hay. Đó là tố chất mà tôi muốn nhấn mạnh với các học trò, giáo viên.
Kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, dưới sự ảnh hưởng đó, người thầy cũng phân hóa. Tuy nhiên, có người thế này và cũng có người thế khác, không thể từ một vài hiện tượng để suy ra bản chất.
- Thầy nghĩ thế nào khi nhiều người cho rằng nếu giáo viên mà nghèo quá thì không thể là tấm gương tốt cho học sinh, các em sẽ e ngại khi lựa chọn con đường trở thành nhà giáo?
- Tôi nhớ trước đây có thầy giáo mà chỉ nhìn người ta đã lắc đầu chê, rằng không có tướng đứng trên bục giảng. Nhưng khi thầy vào lớp dạy, chỉ cần cất tiếng là cả lớp yên lặng lắng nghe. Như vậy phong cách người thầy không ở hình thức bên ngoài, mà phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh bên trong.
Đã bước vào nghề giáo thì mình phải sống phong lưu, đừng ham làm giàu, bởi nếu mong làm giàu thì không tránh khỏi việc chạy theo đồng tiền. Giới giáo viên chuyên có câu: "Đã giỏi thì phải giàu, mà không giàu thì không giỏi" - đây chỉ là sự biện minh cho việc dạy thêm của một số thầy cô.
- Là hiệu trưởng của trường ĐH Giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên cho cả nước, theo thầy, người giáo viên hiện nay cần đạt được tiêu chuẩn gì?
- Người thầy có sự phân tầng như mới ra trường, đứng lớp nhiều năm, dạy giỏi hay dạy khỏe. Tuy nhiên, để là người thầy tốt thì trước hết cần có chuyên môn. Người thầy phải có đủ kiến thức dạy tốt, dạy giỏi nhưng phải điều hành được lớp. Khi tôi còn trẻ mới ra trường, học trò ồn, quát nó chẳng nghe, nay chỉ cần "hừ" một cái nó đã ngồi im. Như vậy càng có kinh nghiệm nhiều năm, kỹ năng quản lý lớp càng tốt hơn.
Ngoài ra, người thầy còn phải là người dẫn dắt các em vào ngôi nhà kiến thức. Tôi rất đau lòng khi hiện nay, xã hội tác động làm một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, chỉ dạy qua loa, hình thức cho xong. Một bất hạnh lớn cho xã hội khi giáo viên chỉ làm việc như cái máy.
Giáo viên thì cũng có đội ngũ phục vụ ở vùng xa, đồng bằng hoặc trường quốc tế. Để giảng được ở các trường tốp trung, cao thì người thầy phải có tiếng Anh giỏi, tâm lý tốt, chuyên môn cao, phương pháp sư phạm hay và kỹ năng điều hành lớp linh hoạt.
Tôi tâm đắc câu nói "Kinh nghiệm là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta đã đi qua còn lý luận và lý thuyết là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta sẽ đi qua". Như vậy phải trang bị kiến thức đủ, cộng với sự tìm tòi, học hỏi của giáo viên mới đi lên được.
- Đầu vào không cao so với một số trường khác, nhưng sư phạm đòi hỏi sản phẩm đạt chất lượng cao nhằm tránh để lại hậu quả cho cả thế hệ. Điều này tạo áp lực gì cho các trường sư phạm hiện nay, thưa thầy?
- Đào tạo hiện nay phải đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng tôi băn khoăn nhu cầu đó cần hiểu cụ thể như thế nào? Ở nước ta, có nhiều em học xong đại học đi làm công nhân, nhưng cũng có em sang nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Các trường đại học thường chỉ đáp ứng một "khúc" của nhu cầu.
Ở ĐH Giáo dục, chúng tôi chú trọng đáp ứng nhu cầu giáo viên trung bình - khá. Sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba được gửi học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các em được học với các nhà khoa học đầu đàn.
Khi chúng tôi chưa đào tạo theo mô hình tín chỉ, sinh viên được học riêng một lớp sư phạm nhưng nay lựa chọn tín chỉ, sinh viên các ngành đều học chung, các em bình đẳng trong học và thi. Vì vậy, sinh viên của chúng tôi phải nỗ lực không ngừng để nắm bắt nội dung yêu cầu của nhà khoa học tương lai.
Cũng từ khi đào tạo theo tín chỉ, từ năm thứ hai chúng tôi đã cho sinh viên đăng ký học nghiệp vụ sư phạm để có sự chuẩn bị tốt hơn. Cùng với chuyên môn, các em còn được trang bị về nghiệp vụ giảng dạy, và khi đi thực tập sẽ tự tin hơn nhiều.
Tóm lại, khi đào tạo, các trường phải hướng đến mục tiêu đào tạo người giỏi để các em ra trường xin được việc làm, có thu nhập cao.
Theo VnExpress

HÀNG LOẠT NHỮNG BẤT CẬP CỦA NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM


"Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh chỉ ôn thi 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Tôi cho rằng điều này rất không ổn. Tại sao không khuyến khích đam mê của học sinh bằng việc cho phép các em đăng kí từ 1 đến 3 môn khác khi thi vào cấp III để khuyến khích đam mê của học sinh đối với môn học đó".

LTS: C
huyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam” của Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trên toàn quốc. Trong đó độc giả 
Nguyễn Văn Quốc, một người cập nhật thường xuyên thông tin liên tục của báo, yêu thích chuyên mục: "Thất vọng và kì vọng về giáo dục Việt Nam". Hiện tại, Nguyễn Văn Quốc đang là giáo viên dạy bộ môn lịch sử tại Trường cấp II thuộc tỉnh Bắc Ninh. Độc giả tâm sự: "Trong tôi đã bức xúc từ lâu về thực trạng nền giáo dục nước nhà. Tôi xin tâm sự với quý báo về những bất bình của cá nhân mình về một số vấn đề của nền giáo dục nước ta hiện nay ở cấp học mà tôi đang trực tiếp tham gia". Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả nêu trên.

Chương trình sách giáo khoa có nhiều bất cập

Lịch sử là bộ môn quá tải cả về dung lượng kiến thức và thời gian dạy từ SGK lớp 6 đến lớp 9. Đó là một số nội dung kiến thức quá “người lớn” so với lứa tuổi các em. Có lẽ đây cũng là vấn đề chung của nhiều cuốn SGK khác hiện nay. Nội dung đề kiểm tra chủ yếu là kiến thức không thực sự hấp dẫn học sinh, rất vắng bóng những câu hỏi mở như: "Em hãy viết một đoạn văn về nhân vật lịch sử mà em yêu quý nhất hay căm ghét nhất và nêu rõ lí do vì sao?".

Đề kiểm tra cũng rất thiếu vắng các câu chuyện lịch sử với các nhân vật sự kiện điển hình để giáo dục thái độ tình cảm, nhân cách các em. Như câu chuyện về Trần Hưng Đạo gạt bỏ mâu thuẫn cá nhân để bảo vệ đoàn kết đánh giặc ngoại xâm và rất rất nhiều câu chuyện hấp dẫn khác nữa. Các câu hỏi sau bài học trong SGK cũng chỉ nghiêng quá nhiều về các sự kiện mà quên đi mảng khai phá, định hướng tình cảm, thái độ của học sinh đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử… Các đề kiểm tra còn yêu cầu học sinh làm bài mà không đuợc sử dụng sách vở tài liệu. Điều này ép buộc học sinh thành một cái ổ cứng máy vi tính khiến các em rất sợ giờ kiểm tra.


Môn Toán có nhiều bài khó gây stress căng thẳng không cần thiết cho học sinh. Ngày xưa khi tôi học xong lớp 12, bước vào đời mới thấy mình đã học quá nhiều thứ mà không cần thiết. Ví dụ chúng tôi được học đạo hàm, tích phân, vi phân, hình học không gian… Nhưng khi vào cuộc sống thực tế tôi chỉ sử dụng: cộng, trừ, nhân, chia. Vì vậy tôi mong rằng cuộc cải cách tới đây cần xem xét kĩ lưỡng vấn đề này.

Tôi mong rằng nếu những học sinh không biết gì về toán cao cấp thì đến giờ toán có thể được phép lên thư viện nhà trường đọc sách, chơi thể thao hoặc nghỉ ngơi dưới sự quản lý của nhà trường. Điều này tránh tình trạng học sinh không biết gì vẫn phải ngồi nghe, rồi mất trật tự, bị phạt gây ảnh hưởng đến các bạn học sinh khác. Tôi cho rằng có những môn bắt buộc phải học như: Giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục công dân, lịch sử, khoa học về sức khoẻ con người… Như vậy, có những môn cần phải bắt buộc ở kiến thức tối thiểu còn kiến thức cao hơn có thể cho các em lựa chon theo niềm đam mê không nên ép buộc quá nặng.

Trong môn vật lý thì các em cần phải nắm được các quy tắc an toàn về điện… còn kiến thức vượt quá khả năng tư duy của các em chúng ta không nên ép buộc mà để tự nguyện.

Là giáo viên lịch sử nhưng do thực tế công tác tôi đã từng dạy cả môn văn. Bản thân tôi thấy SGK văn rất nặng nề về kiến thức. Ví dụ thay vì cảm nhận vẻ đẹp tình cảm, tâm hồn, cảnh vật con người trong một tác phẩm văn thơ thì tôi lại thấy các em phải tìm hiểu cả biện pháp nghệ thuật giống như đào tạo các em kĩ thuật chế tạo văn chương vậy. Tất nhiên điều đó không sai nhưng tôi cho rằng nó không hợp lý khi sức cảm nhận của các em là rất có hạn và thời gian cho một tiết học ở trên lớp chỉ là 45 phút.
Vấn đề dạy thêm, học thêm trong chương trình ôn thi vào lớp 10

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh chỉ ôn thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Tôi cho rằng điều này rất không ổn. Tại sao không khuyến khích đam mê của học sinh bằng việc cho phép các em đăng kí từ 1 đến 3 môn khác khi thi vào cấp III để khuyến khích đam mê của học sinh đối với môn học đó. Ví dụ học sinh giỏi sinh học, Vật lý, Hoá học hay Lịch sử có thể được đăng kí thêm môn đó khi thi vào cấp III. Tất nhiên sẽ tính thêm hệ số điểm hợp lí, thậm chí có thể cho các em quyền thay thế một trong hai môn văn hoặc toán bằng một môn khoa học cơ bản cùng khối A hoặc khối C thuộc sở trường của các em.

Tôi cho rằng, không phải tất cả các phát kiến vĩ đại của con người đều chỉ thuộc lĩnh vực toán học hay văn học mà còn có sinh học, vật lý, hoá học, âm nhạc… Tại sao chỉ buộc các em thi là toán, ngữ văn, tiếng Anh mà không có lựa chọn mở cho các em? Thật là phiến diện! Thật là ép buộc! Cần phải xem xét vấn đề này nghiêm túc.

Vấn đề tuyển dụng giáo viên và tuyển dụng cán bộ công chức viên chức

Tôi cho rằng vấn đề này phải hoàn toàn công khai và thậm chí truyền hình trực tiếp nếu thấy cần. Từ trước đến nay chúng ta cứ quen xét tuyển giáo viên qua t��m bằng nhẵn bóng mà không biết kiến thức, giọng nói chữ viết của giáo viên tương lai đó có phù hợp với môn học mà họ sẽ giảng dạy hay không?

Điều này dẫn đến tình trạng có những giáo viên viết chữ như lên dốc, xuống dốc, có người giảng văn học nhưng giọng nói cứng như thép, giáo viên tiếng Anh thì phát âm quá xa lạ so với tiếng Anh trong thực tế.
Theo Giáo Dục Việt Nam

NHÀ GIÁO VÀ DANH HIỆU


Ngày 20/11 đã đi qua nhưng âm hưởng vẫn còn đó. Một dân tộc với truyền thống tôn sư trọng đạo thì nghề dạy học tự nó đã là cao quí, là vinh quang. Không cần phải tô vẽ, thầy giáo bao giờ cũng là thầy giáo với tất cả ý nghĩa của ngôn từ.

Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Mytour.vn)
Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh minh họa, nguồn: Mytour.vn)

Có lẽ 2 trong những nghề được công nhận sớm nhất trong lịch sử phát triển của loài người mà người ta có thể kể ra ngay, đó là nghề dạy học và nghề chữa bệnh, với danh xưng thầy giáo, thầy thuốc. Và càng không lạ khi trong lịch sử đã có không ít người bỏ chốn quan trường về quê gõ đầu trẻ hoặc bốc thuốc cứu người. Cao quí  là thế.

Danh hiệu hay hư danh

Từ 1991 bắt đầu biết đến những danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGUT), trước đó là Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi (cấp huyện, tỉnh…)

Dịp 20/11 vừa rồi, như mọi năm (có người đã gọi là mùa, mùa danh hiệu), ngành Giáo dục có thêm 40 NGND, 570 NGUT. Sau 21 năm phong tặng và được phong tặng chúng ta đã có nhiều trăm NGND, nhiều nghìn NGUT (người viết bài chưa kịp cập nhật thêm). Đó là niềm kiêu hãnh của ngành Giáo dục, của các cơ sở đào tạo, của cá nhân được phong tặng. Chắc thế.

Còn nhớ năm 1991, ở một khoa của một trường đại học khá nổi tiếng trong “làng” đại học Hà Nội mà người viết bài có may mắn là giảng viên ở đó, chúng tôi đã tôn vinh 3 thầy - những thầy của rất nhiều thầy. Đề nghị Nhà nước phong tặng 2 thầy là NGND, 1 thầy là NGUT. Cả 3 thầy cứ khăng khăng không nhận đề cử. Các thầy bảo: Những gì đã làm là nghề. Nghề dạy học là thế thôi. Nói cống hiến, to tát quá. Chúng tôi nhất quyết không chịu. Cứ đề cử. Và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cho 3 thầy như sự tôn vinh, đề cử của cả khoa. Từ đấy cho đến mãi bây giờ và còn mãi mãi, các thầy là niềm tự hào và kiêu hãnh của chúng tôi.

Còn bây giờ, những danh hiệu ấy, tiêu chí vẫn thế, có phần còn cao hơn, nhưng người được phong tặng hình như kém ấn tượng. Hầu hết những người được phong tặng đều có chức sắc, nhiều người đã rời bục giảng từ lâu. Thậm chí không ít người chưa bao giờ là giáo viên, giảng viên cơ hữu của một cơ sở giáo dục. Trớ trêu thật.

Xã hội đang truyền tai nhau: liệu có chuyện “chạy” các danh hiệu trên như ở một lĩnh vực khác cũng trong ngành giáo dục? Ấy là "chạy" Tiến sĩ, "chạy" Phó giáo sư, Giáo sư. Hay rộng hơn mà hơn một lần làm nóng nghị trường Quốc hội về chuyện “chạy” quyền “chạy” chức… Đến mức người đứng đầu Chính phủ khi trả lời chất vấn phải dõng dạc khẳng định “Tôi không chạy, không xin…”

Mọi danh hiệu đều cao quí, nhưng phải là thật. Làm sao đừng để phía sau tấm huân chương quá nhiều tì vết.  Và nên chăng, nhìn ra bên ngoài tại nhiều quốc gia phát triển hình như họ không có, không cần những thứ danh hiệu như ở ta và một số quốc gia XHCN. Nào là Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn X; GS. Bộ trưởng Trạch Văn Y; Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Công huân…đến NGND, NGUT… Thế mà đất nước họ cứ liên tục phát triển. Tại sao?

Danh hiệu, phẩm hàm và chất lượng sản phẩm

Thật nghịch lí khi càng nhiều GS, Phó GS, càng nhiều NGND, NGUT thì chất lượng giáo dục càng tụt giảm, khoa học công nghệ hầu như chưa có gì để khoe với thiên hạ. Với hơn 9.000 GS, Phó GS, trăm nghìn Tiến sĩ, Thạc sĩ thì vô thiên lủng mà từ 2006 đến 2010 chỉ có 5 bằng sáng chế đăng ký tại Hoa Kỳ. Năm 2011 không một bằng sáng chế nào đăng ký từ Việt Nam trong khi đội ngũ GS, Phó GS, TS điệp điệp trùng trùng.

Cũng không thể không ngạc nhiên với 5 vạn nghiên cứu viên (NCV) đủ ngạch, bậc làm việc trong hơn 1001 viện, cơ sở nghiên cứu đủ loại mà một ốc vít (đúng nghĩa) cho Canon chưa làm nổi. Lại tại sao…và câu trả lời hẳn ai cũng biết.
 
Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Mytour.vn)
Và nay, hàng năm Thủ khoa các trường đại học lại về Văn Miếu - Quốc Tử Giám  báo công và thăm quan trường đại học đầu tiên của VN (ảnh minh họa: Mytour.vn)

Và các anh Hai Lúa

Thật khó tin, nhưng lại là sự thật. Sự thật trần trụi, giản dị. Nhiều Hai Lúa học chưa hết phổ thông, thậm chí mới hết tiểu học trường làng lại đã sáng chế nhiều máy móc đủ loại phục vụ sản xuất ngay trên cánh đồng của mình. Cao hơn, xa hơn còn cả gan làm được máy bay đã lượn trên trời để thực hiện giấc mơ dùng máy bay tự chế làm phương tiện tưới cây, phun thuốc trừ sâu. Kinh thật.

Mới đây, ngày 13/9/2012 anh Nguyễn Kim Chính, nông dân (chân có đi dép) ngụ tỉnh Bình Định công bố máy tuốt đậu phộng (chưa từng có ở Việt Nam). Trước đó anh đã làm máy tuốt lúa, đã bán hơn 200 chiếc, trong đó có bán cho cả nước ngoài. Các anh Hai Lúa không cần, không nghĩ đến bất kỳ loại danh hiệu gì. Họ cần lao động, muốn cho người lao động đỡ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ muốn sống có chất lượng hơn, có ích hơn…Thế đấy.

Dịp 20/11 vừa rồi, cùng một số bạn học, chúng tôi tới thăm một số thầy đã vượt xa cái tuổi thất thập. Các cụ bảo danh hiệu, học hàm học vị nhiều mà vô duyên. Nếu có thì chỉ nên ít thôi cho thật xứng. Và hãy dành nhiều cho các thầy các cô đang dạy học ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo - những người đã quên tuổi thanh xuân vì đồng bào dân tộc, những người đang sống trong các lều công vụ (chữ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân) và bữa cơm có thịt với họ… vẫn còn xa…lắc.

HỌC SINH CHUYÊN ĐI HỌC THÊM... MÔN CHUYÊN

Hoàn toàn lãng phí khi hàng ngàn học sinh ở các trường năng khiếu được đào tạo đặc biệt chỉ với mục đích quan trọng nhất là vào ĐH.

Để trúng tuyển ĐH
Một hiện tượng xảy ra phổ biến hiện nay là học sinh (HS) trường chuyên, năng khiếu cũng đi học thêm tất bật.
HS chuyên môn học thêm
Rất nhiều HS các trường chuyên tham gia lớp học thêm tại chi nhánh của Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng vào chiều 26.11
Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ hơn 10 HS trường chuyên, năng khiếu tại TP.HCM. Tất cả các em này đều cho biết học thêm từ 1-4 môn. Đáng nói, lịch học thêm của nhiều em dày suốt cả tuần. Bà Phạm Thị Mộng Thu, phụ huynh HS lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Các ngày thứ hai, tư, sáu, con tôi học thêm 2 môn toán, sinh từ 17 giờ 30 - 21 giờ 20. Tối thứ ba, năm học môn lý từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30. Còn thứ bảy và chủ nhật, học thêm môn hóa từ 12 giờ 30 - 17 giờ”. Lý giải nguyên nhân cho con mình học thêm, bà Thu nói: “Mục đích là muốn con thi đậu ĐH. Khi con học thêm bên ngoài, mình cũng yên tâm hơn”.

 
Không riêng gì lớp 12, HS các khối lớp 10, 11 trường chuyên, năng khiếu đều khẳng định có học thêm, ít nhất là ở… môn chuyên. Minh Tuấn, lớp 10 chuyên toán Trường Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết: “Một tuần em học 8 tiết toán ở trường nhưng vẫn đi học thêm bên ngoài nhằm ôn chắc lại kiến thức”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), HS ở trường chuyên, năng khiếu chỉ cần học tại trường là đủ kiến thức để thi đậu ĐH. Tuy nhiên, phía phụ huynh thường không an tâm và tìm mọi cách cho con em họ học thêm.
Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nhận định: “Do tâm lý phụ huynh không tin tưởng vào việc giảng dạy ở trường chuyên mà đúng hơn là không tin tưởng và khả năng học tập của con em mình nên mới dẫn đến tình trạng HS chuyên phải đi học thêm”. Trong khi đó theo ông Thái, thời lượng học ở các lớp chuyên gấp 1,5 lần bình thường. Như ở môn toán, văn, Anh văn mỗi tuần có 6 tiết, cùng với 2 buổi chuyên đề nhằm bồi dưỡng chuyên sâu. Chưa hết, HS các lớp chuyên cũng được luyện các môn lý, hóa, sinh nên hoàn toàn đủ kiến thức để thi đậu ĐH.

 
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM cho biết, tuy không có thống kê cụ thể nhưng thực chất, phần đông HS chuyên, năng khiếu sau giờ tan trường thường phải đi học thêm bên ngoài chỉ với mục đích luyện thi để đậu vào ĐH. Trong khi đó tỷ lệ HS chuyên, năng khiếu hằng năm trúng tuyển ĐH rất cao. Chẳng hạn Trường Trung học Thực hành là 89,9%, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa 100%...
Lãng phí tài năng
Mỗi năm tổ chức kỳ thi đầu vào hết sức căng thẳng, tuyển được những HS thật sự tài năng vào bồi dưỡng để cuối cùng mục đích cao nhất là trúng tuyển ĐH thì quả hết sức lãng phí! Giáo viên và những người làm công tác quản lý ở các trường THPT chuyên đều thừa nhận HS chuyên có tố chất đặc biệt, thông minh hơn các HS thường. Vì vậy, nếu có hướng đi đúng, chính sách hợp lý thì đây sẽ là những nhân tố nổi trội góp phần vào sự phát triển của quốc gia. 
Ngoài những HS xuất sắc đoạt giải quốc gia, quốc tế được hưởng các chế độ ưu tiên; HS chuyên, nếu thỏa một số điều kiện nhất định, cũng cần có chính sách thỏa đáng để toàn tâm toàn ý vào chương trình học phát triển tài năng. Ông Nguyễn Thanh Hùng dẫn chứng: “Ở các nước tiên tiến, các trường phổ thông đào tạo HS chuyên, năng khiếu thường tuyển thẳng vào ĐH. Các em chỉ cần mất 1-2 năm nữa để có thể lấy bằng ĐH. Vì có một số chuyên đề ở trường THPT chuyên được lấy từ chương trình của ĐH để dạy chuyên sâu. Nếu được tuyển thẳng vào ngành phù hợp, các em có thể bỏ qua những phần đã học, rút ngắn được thời gian học ĐH và dành thời gian đó vào nghiên cứu hoặc học lên cao”.
Trong khi đó, mục tiêu đào tạo năng khiếu ở nước ta vẫn còn hết sức chung chung. Theo quy chế trường chuyên hiện hành, một trong những mục tiêu là phát hiện những HS có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của HS về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện. Về quyền lợi, HS chuyên đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định. Trong 5 chương, 32 điều của quy chế tuyển sinh không một ý nào nói đến chuyện đặc cách cho HS chuyên vào ĐH mà không qua con đường thi cử.
Theo Thanh Niên

11/28/2012

LIỆU TRƯỜNG HỌC CÓ THỂ TỒN TẠI TRONG THỜI ĐẠI WEB?


Một số lượng ngày càng tăng các trường đại học trực tuyến đang định nghĩa lại giáo dục. Nhưng điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với các cơ sở giáo dục truyền thống?

Nếu bạn thích một nền giáo dục hàng đầu nhưng không thể chi trả chi phí hoặc không có thời gian, bây giờ bạn đã có sự thay thế.

Tháng 11 này, Quỹ Bill và Melinda Gates đầu tư một triệu USD vào edX, sáng kiến học trực tuyến lớn nhất thế giới. Được thành lập bởi ĐH Harvard và Học viện MIT, edX tự hào có một số lượng ngày càng tăng "các khóa học trực tuyến mở đại trà" (MOOCs) nhằm mang lại các phiên bản trực tuyến của nền giáo dục đại học đẳng cấp thế giới tới hàng trăm ngàn người. Đến năm 2013, nó sẽ cung cấp một loạt các lớp học trực tuyến hoàn toàn miễn phí từ ĐH Harvard, MIT, Berkeley và ĐH Texas.

Là một sáng kiến phi lợi nhuận, edX được quảng cáo là "tương lai của giáo dục trực tuyến: dành cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào". Đến nay ngoài edX còn có nhiều tổ chức cung cấp các khóa học trực tuyến. Một trong những đối thủ đáng chú ý là Udacity, một nhà cung cấp miễn phí giáo dục đại học thời kỹ thuật số thu hút 160.000 học viên ghi danh vào khóa học đại học trực tuyến từ ĐH Stanford. Hoặc bạn có thể theo học tại Coursera, một trang được đưa ra ngay sau khi Udacity xuất hiện và ngày nay có gần 2 triệu học viên đăng ký các khóa học tại 33 trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, những hình mẫu khác như Học viện Khan đã cung cấp các khóa học trực tuyến cho hàng chục triệu người tự học, đấy là chưa kể đến hàng tỷ lượt theo dõi các buổi nói chuyện.
 
Tương lai của giáo dục trực tuyến: dành cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.
"Tương lai của giáo dục trực tuyến: dành cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào".

Nhu cầu học tập trên toàn cầu đang trở thành một lực lượng mạnh mẽ. Như tác giả, chuyên gia kỹ thuật số Clay Shirky đưa ra trong một bài đăng blog gần đây thu hút nhiều tranh cãi, giáo dục đang được phá vỡ bởi "một câu chuyện mới sắp xếp lại ý thức của người dân về cái có thể".

Bản thân trang web không phải là một cái mới, thông tin trực tuyến cũng thế, chúng ta đã có Wikipedia trong hơn một thập kỷ. Cái mới là những gì chúng ta đọc và tin tưởng được chuyển thành phương tiện truyền thông trực tuyến cho một cái gì đó cơ bản hơn: các kỹ năng, kiến ​​thức và hướng dẫn cần thiết để phát triển mạnh trong thế giới hiện đại.
"Khả năng mà MOOCs nắm giữ không phải là sự thay thế", Shirky quan sát. Thay vào đó, "giáo dục có thể được tách riêng ra". Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác - từ phát thanh truyền hình và báo chí đến mua sắm - công nghệ hứa hẹn không quá nhiều để thay thế các tổ chức cũ nhằm phá vỡ những gì chúng ta từng được cung cấp, mà nó cung cấp các bộ phận nào đó ở một quy mô và chi phí khác với kiểu cũ.
Tất cả trong số đó chắc chắn là một công thức cho sự cải cách. Khi nói đến những gì thật sự đang được tách riêng ra, có một cái gì đó bảo thủ mang tính nghịch lý về hầu hết các MOOCs: các bài giảng được ghi lại, bài kiểm tra trực tuyến, tài liệu kỹ thuật số..

Như tác giả và lý thuyết gia công nghệ Ian Bogost từng lập luận đầu năm nay: “Nếu các bài giảng là một định dạng xấu trong thời đại công nghiệp, tại sao nó đột nhiên được tổ chức một lần bằng số hóa và được truyền vào trình duyệt web trong thời đại thông tin?".

Đó là một câu hỏi công bằng. Một bài giảng kỹ thuật số vẫn là một bài giảng, một bài thi trực tuyến vẫn là một bài thi.
Ngoài các khóa học và các bài giảng thiết lập, ví dụ, các nhà giáo dục như Sugata Mitra và tổ chức Một máy tính xách tay cho mỗi trẻ em (One Laptop Per Child) đã thử nghiệm với một hình thức cơ bản của việc tự học: cung cấp cho mọi người tiếp cận công nghệ, và để cho họ thành thạo về công nghệ.

Cụ thể, One Laptop Per Child đã tập trung vào một số học viên có hoàn cảnh khó khăn nhất của thế giới: trẻ em mù chữ ở nông thôn Ethiopia, những em mà chưa từng học viết, đã được trao máy tính bảng cài sẵn trò chơi học chữ cái, phim hoạt hình, hình ảnh và sách. Kết quả bước đầu rất ấn tượng và đã mở rộng ra ngoài việc học những kiến thức sơ đẳng: trong vòng 5 tháng, một nhóm đã tìm ra việc ra làm thế nào để hack hệ thống điều hành.

Học trực tuyến khác xa với việc chỉ đơn giản là xem một bài nói chuyện được ghi lại. Đó là một cái gì đó cơ bản hơn: rằng sự gián đoạn thực sự chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta có thể tách riêng giáo dục ra khỏi những danh mục cũ như các bài giảng, bài kiểm tra và bài luận; và rằng bản thân “giáo dục” đòi hỏi việc xem xét lại trong một thời đại nơi mà việc giúp mọi người giúp đỡ chính họ không phải là một khát vọng nhiều như là một thực tế của các công cụ mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Tất nhiên, sự thay đổi không chỉ về mặt công nghệ. Những điều mà một màn hình không có thể cung cấp - đó là cộng đồng, học phí, đối thoại giữa các cá nhân, chia sẻ không gian và thời gian - chỉ sẽ cảm thấy quý giá hơn trong bối cảnh giáo dục trực tuyến ngày càng phong phú. Tuy nhiên, trên tất cả, việc truy cập vào một màn hình là điều quan trọng đầu tiên. Đạt được điều đó, và bạn có thể xây dựng từ đầu hoặc xây dựng lại những gì cần thiết để hỗ trợ một cộng đồng giáo dục và khát vọng học tập.
 
Xuân Vũ
Theo Dân Trí

ĐÀO TẠO TIẾN SĨ: ĐỐI DIỆN VỚI THỰC TẾ


Đã đến lúc (không bao giờ là quá muộn) đối diện với thực tế và nhìn nhận một cách đúng mực và khả thi về số lượng tiến sĩ cần dùng cho các trường đại học Việt Nam, và có một cái nhìn rõ ràng hơn về những điều cần làm để đạt được mục đích này.

Một bài báo gần đây1 đăng trên báo An ninh Thủ đô đã chỉ ra một số sai sót của hệ thống đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong đó một sai phạm nghiêm trọng là một số nghiên cứu sinh đã mua luận văn được viết thuê với giá cả 500 triệu đồng từ những người kiếm sống bằng hoạt động gian lận này, trong đó có rất nhiều những tài liệu bị “cắt và dán” từ các công trình đã được công bố của người khác. Một sai sót thứ hai mà bài báo chỉ ra là hiện tượng thiếu năng lực của các hội đồng trong việc thẩm định kỹ năng cùng năng lực của nghiên cứu sinh, qua đó ngầm ám chỉ rằng các thành viên của những hội đồng này hoặc là kém cỏi, hoặc là tham nhũng, hoặc là cả hai. Sai sót thứ ba là việc thiếu những hình phạt đối với những sai phạm trên, đặc biệt là đối với những người viết thuê và bán những luận văn nghiên cứu giả tạo. 
 
Một trong những sai sót đề cập trên đây có sự liên quan tới những kết quả hạn chế của chương trình 322, có chức năng cử các sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngầm ám chỉ rằng một số sinh viên được lựa chọn một cách không đủ nghiêm túc, hoặc không theo những tiêu chí lựa chọn thích hợp. Chương trình này đột ngột bị gián đoạn trong tháng 5 năm nay trước khi được phục hồi vào tháng 7.

Tác giả bài báo đưa ra kết luận với những số liệu đáng quan tâm. Đó là nhắc lại mục tiêu đặt ra của Chính phủ đạt được 20 nghìn tiến sĩ vào năm 2020 nhằm có được 30% các giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, tác giả ước tính rằng số lượng tiến sĩ cần thiết cho mục tiêu này thực chất phải là 60 nghìn, nghĩa là sẽ cần thêm 45 nghìn tiến sĩ nữa. Cả 2 con số này dường như đều không khả thi.
Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hàng đầu thế giới người Pháp -
Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hàng đầu thế giới người Pháp - tác giả bài viết.

Rõ ràng là số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ mà Việt Nam có thể đào tạo rõ ràng thấp hơn so với kỳ vọng của Chính phủ. Do vậy chúng ta không thể kỳ vọng nhanh chóng tăng số lượng những giáo sư đại học đủ năng lực và đạo đức. Có lẽ điều cấp thiết phải làm ngay hiện nay là xác định ra những giáo sư như vậy, và tin tưởng giao phó cho họ công việc đào tạo và hướng dẫn các nghiên cứu sinh. Ở một số nước trên thế giới có một quy trình để làm điều này, đó là quy trình phong tặng danh hiệu “habilitation”. Sự phong tặng này hoàn toàn dựa trên thành tựu, căn cứ vào kỹ năng nghiên cứu và kết quả đạt được, số lượng và chất lượng các công bố khoa học, hiệu quả giảng dạy, sự ghi nhận trong phạm vi ngoài trường và phạm vi quốc tế, cùng những tiêu chí khác mà người ta cho rằng cần thiết, miễn là chúng phải khách quan, công bằng, không mở cửa cho sự tư tình và những sự bất công.

Việc đặt ra một danh hiệu như “habilitation” sẽ đem lại nhiều lợi ích, miễn là được thực hiện một cách có đạo đức, nghĩa là việc phong tặng phải do một ủy ban bên ngoài. Cần trả lương cao cho những người được phong tặng danh hiệu này, cũng như cho những người trẻ tuổi đã làm xong hậu tiến sĩ với năng lực đầy đủ và đang mong mỏi được tạo cơ hội.

Việc hướng dẫn một nghiên cứu sinh tiến sĩ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Sẽ không hợp lý nếu đòi hỏi rằng một thầy hướng dẫn trung bình mỗi năm phải tạo ra được trên một tiến sĩ – nghĩa là đòi hỏi thầy hướng dẫn này phải liên tục hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ (thông thường thời gian hướng dẫn mỗi nghiên cứu sinh tiến sĩ là 3 năm).

Nhưng những gì đang xảy ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây lại hoàn toàn trái ngược với những gì tôi trình bày trên đây: thay vì tuyển chọn thày hướng dẫn một cách nghiêm ngặt hơn và tin tưởng giao phó trách nhiệm cho họ, người ta lại tạo ra một hệ thống các quy định phức tạp nhằm giám sát, theo dõi công việc của họ2; các nghiên cứu sinh phải viết báo cáo ba tháng một lần cho học viện về tiến độ công việc của mình; họ phải trình bày 3 đề tài cơ bản trước một hội đồng đặc biệt thứ nhất; họ phải trình bày 3 đề tài cụ thể trước một hội đồng đặc biệt thứ hai; và họ phải bảo vệ đề tài của mình hai lần trước hai hội đồng đặc biệt khác.
Là người đã dành phần lớn sự nghiệp khoa học của mình tại một trung tâm nghiên cứu quốc tế, tôi đã giám sát và hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa ở nơi đâu tôi lại thấy một hệ thống phức tạp và quan liêu như vậy, một hệ thống đặt quá ít lòng tin vào những người thầy hướng dẫn.

Vấn đề cần quan tâm ở đây không phải là bằng cấp, mà là kỹ năng, năng lực, và tri thức hàm chứa đằng sau nó. Đào tạo ra 20 nghìn tiến sĩ để làm gì nếu tấm bằng có thể mua được bằng tiền? Chúng ta không cần đến những tấm bằng tiến sĩ được gắn trên tường văn phòng. Việt Nam cần những tiến sĩ có thể giúp đất nước vượt qua những thử thách trước mắt. Và những thứ luận văn sao chép không giúp gì cho điều này. Đây là thực tế không thể phủ định. [Vì vậy], chúng ta cần tập trung vào việc tạo ra những bằng cấp không bị giả tạo, thu hút các tài năng, và chỉ cần tạo ra số lượng bằng cấp trong giới hạn chừng mực khả năng thực tiễn của chúng ta.   

Chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn làm sao để giúp những người đã làm xong hậu tiến sĩ có thể kết nối vào đời sống công việc, dù là mang tính học thuật hay phi học thuật. Cần có một chương trình theo dõi và tiếp tục đào tạo cho những người đã làm xong hậu tiến sĩ, căn cứ vào nhu cầu cơ bản chung của đất nước, và nhu cầu cụ thể của các trường đại học. Ngày nay, không ít những người đã làm hậu tiến sĩ ở những lĩnh vực tiên tiến nhất của vật lý học, cuối cùng phải đi dạy trung học (giáo viên trung học là một nghề đáng được tôn trọng, nhưng họ đâu cần đến bằng tiến sĩ để phải lãng phí tiền bạc và công sức), và rất hiếm những người làm hậu tiến sĩ tìm được công việc phù hợp với tài năng của mình ở Việt Nam.

Chúng ta cần thay đổi thói quen cố hữu hiện nay một cách quyết liệt. Cần tuyển chọn [sinh viên/nghiên cứu sinh] nghiêm túc hơn, và xử lý nghiêm khắc hơn những trường hợp gian lận. Cần xác định đúng hơn những người thầy có đủ nhân cách và năng lực để hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cần đơn giản hóa hệ thống những quy định phức tạp, tương đồng với những tiêu chuẩn quốc tế, nhằm khuyến khích và giản lược hóa những thỏa thuận hợp tác đồng hướng dẫn (tiếng Pháp gọi là cotutelles3). Chúng ta cũng cần tăng cường mạnh mẽ những giảng viên trẻ trong các trường đại học bằng cách trao cho họ những cơ hội thực sự.

Hiện nay, sự tự tôn đang khiến chúng ta không dám đối diện hiện thực, và sự khiêm tốn khiến chúng ta không dám tham vọng [một cách thực tế]. Chúng ta cần phải có thái độ hoàn toàn ngược lại: sự tự tôn là để chúng ta tham vọng và tự tin; sự khiêm tốn để giúp chúng ta có nghị lực để đối diện với thực tế.
Theo Dân Trí

be yeu

be yeu

LƯU BÚT

LƯU BÚT